Không có gì nhiều, nhưng cũng có xíu ý
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung
Qua kiểm nghiệm và thực tiễn xét xử, việc thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự (viết tắt là BLTTHS) năm 2003, chúng tôi thấy còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Đề nghị ban soạn thảo BLTTHS nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số điểm sau:
Một là: Tại Điều 44 BLTTHS về việc thay đổi Điều tra viên có ghi: “Phải từ chối hoặc bị thay đổi nếu đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký Toà án”. Điều 45 BLTTHS, việc thay đổi Kiểm sát viên cũng quy định tương tự như vậy. Trên thực tế, rất ít khả năng và hầu như chưa xảy ra; vì một con người trong thời hiệu tố tụng (dù là tối đa) của một vụ án, không thể chuyển công tác ở những cơ quan khác nhau mà lại được đề bạt ngay chức sắc. Và trường hợp xảy ra thật thì sẽ vận dụng theo khoản 3 Điều 42 BLTTHS, cũng có thể, vì tương tự (Nếu không vô tư!). Do vậy, đề nghị bỏ các chế định trên trong Điều 44 và 45 BLTTHS.
Hai là: Tại Điều 55 và Điều 192 BLTTHS, nói về người làm chứng, nên dồn vào một Điều - Mặt khác, quy định cho họ nhiều nghĩa vụ, chế tài, thậm chí còn bị dẫn giải; hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo các Điều 307, 308 Bộ luật hình sự (viết tắt là BLHS) (về tội khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo...)
Nhưng quyền yêu cầu “được bảo vệ” chỉ là khẩu hiệu... Trên thực tế, người tham gia tố tụng này thường lẩn tránh, bằng nhiều cách để không có mặt tại phiên toà (vì bất lợi nhiều mặt) - Đề nghị bổ sung rõ về biện pháp bảo vệ có hiệu quả đối với họ để tránh bất cập trên (Chẳng hạn, cơ quan Công an phải bảo đảm an toàn trước, trong và sau phiên toà một thời gian thích hợp).
Ba là: Điều 57 BLTTHS về lựa chọn và thay đổi người bào chữa, có ghi ở điểm b khoản 2 Điều 57 là: “Phải yêu cầu Đoàn Luật sư.... cử người bào chữa cho họ, trong trường hợp bị can, bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Nếu giải thích kiểu câu chữ, đã và có thể bị hiểu lầm hoặc bị lợi dụng: Bất cứ nhược điểm về thể chất nào cũng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa cho họ (vì có chữ “Hoặc” chứng tỏ sự độc lập). Đề nghị bổ sung thêm: “Hoặc thể chất nhưng liên quan đến nhận thức của họ” để đảm bảo sự chặt chẽ, chỉ hiểu một nghĩa và áp dụng thống nhất chế định này.
Bốn là: Điều 79, Điều 92, Điều 93 BLTTHS nói về các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn có ghi: Các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo, nhưng trên thực tế quy định này chưa được áp dụng vì không có hướng dẫn - Đề nghị tinh thần ba điều luật này hãy dồn vào một điều cho ngắn gọn, tập trung và cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng (Ví dụ, quy định từng loại tội thì mức “đặt tiền” là bao nhiêu, chế tài cụ thể nếu họ vi phạm).
Năm là: Điều 180 BLTTHS có ghi về quyết định tạm đình chỉ vụ án: “Trong trường hợp bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác” và thời hạn xét xử vụ án, bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết, khi lý do tạm định chỉ không còn. Như vậy, việc tạm đình chỉ sẽ không có thời hiệu, nào khỏi bệnh mới tiếp tục giải quyết - Chúng tôi đề nghị bổ sung, khi lý do tạm đình chỉ không còn (Như giấy ra viện chẳng hạn) thì Toà án phải ra quyết định “khôi phục xét xử”, tương tự như phục hồi điều tra, quy định tại điều 165 BLTTHS để đảm bảo tính pháp lý, chấm dứt thời kỳ “tạm đình chỉ”.
Một điều nữa, cũng Điều 180 BLTTHS quy định “Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo mà căn cứ tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị cáo thì có thể tạm đình chỉ với một bị cáo, còn các bị cáo khác vẫn xét xử bình thường - Thế nhưng, khi tác nghiệp cụ thể loại hình này đã xảy ra bất cập, đó là: Hồ sơ chính của vụ án với những bị cáo được xét xử trước bị thuyên chuyển theo các trình tự tố tụng hoặc phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì sau đó, Toà án sẽ khôi phục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo được tạm đình chỉ bằng hồ sơ nào, nếu “sao lại” thì vẫn“toàn văn” bản cáo trạng cũ có hợp pháp hay không, về cả thời gian, thủ tục, nội dung, khi chỉ xử với bị cáo này?
Đây là vấn đề do thực tiễn đặt ra, chúng tôi đề nghị bổ sung; nếu trong trường hợp đó:
* Toà án chuyển lại hồ sơ cho cơ quan VKS cùng cấp để họ tách một phần vụ án và quyết định tạm đình chỉ với bị cáo có lý do, sau đó trả lại hồ sơ để Toà án xét xử các bị cáo khác.
* Với bị cáo được tách ra và tạm đình chỉ sẽ do VKS theo dõi, giám sát, khôi phục khi lý do không còn.
Như vậy, sẽ hợp lý với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, tránh bất cập trên, đồng thời không có điều kiện để Toà án lãng quên!
Sáu là: Điều 185 BLTTHS về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm quy định: “Nếu Hội đồng có 03 người thì gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm nhân dân; còn nếu Hội đồng có 05 người thì gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân - Theo chúng tôi, thực tế ai cũng thừa nhận: Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm áp dụng pháp luật của các Hội thẩm nhân dân phần lớn không thể bằng Thẩm phán chuyên nghiệp - mà số lượng đông hơn, trong chế độ hiện hành (theo đa số) đã và sẽ phát sinh bất cập - Vì vậy, đề nghị nên sửa đổi “ngược lại” về số lượng (tỷ lệ Thẩm phán là 2/3 hoặc 3/5), Như vậy, vẫn vừa có đại diện các tầng lớp nhân dân tham gia trực tiếp xét xử; vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, một đòi hỏi nghiêm khắc của Đảng và Nhà nước trong quá trình cải cách toàn diện các hoạt động tư pháp, nhất là công tác xét xử.
Bảy là: Điều 196 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử, chúng tôi đề nghị nên bổ sung, thay đổi là “ôToàán có thể xét xử tội khác so với tội bị truy tố của Viện kiểm sát”. - Không nên hạn chế “chỉ tội phạm nhẹ hơn”, sẽ không chuẩn xác, trong trường hợp nếu là tội nặng hơn - Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Toà án đối với phán quyết của mình.
Tám là: Điều 249 BLTTHS về thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm trong việc sửa bản án sơ thẩm - Chúng tôi đề nghị bổ sung: Trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt.... Hoặc chuyển từ chế định án treo sang tù giam. Bởi vì, trên thực tế, các Toà án cấp phúc thẩm vẫn đang thực hiện quyền này nhưng điều luật thì chưa quy định cụ thể về thẩm quyền “chuyển từ chế định án treo sang tù giam” - cần bổ sung để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ cho mỗi quyết định của Toà án.
Trên đây là một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, rất mong Ban soạn thảo BLTTHS nghiên cứu đề xuất của tác giả.
|
Nguồn: Trần Linh - TAND tỉnh Nam Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét